Vĩnh Phúc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: 'Chìa khóa' tạo đột phá

Tỉnh Vĩnh Phúc có những chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đó là 'chìa khóa' để khai thác tiềm năng, tạo đột phá trong SX nông nghiệp.

 

Nhiều cơ chế hỗ trợ đầu tư

Là một tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển công nghiệp nhưng Vĩnh Phúc vẫn rất chú trọng tới mặt trận an ninh lương thực. Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 202/2015/NQ- HĐND triển khai các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NN, NT) kịp thời, linh hoạt và sát thực tiễn, từ đó, đã và đang tạo ra cú hích lớn trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân.

Cụ thể, về thủ tục hành chính - một trong những vướng mắc khiến doanh nghiệp (DN) “ngại” tiếp cận các chính sách ưu đãi, Vĩnh Phúc quy định: DN chỉ cần gửi 3 bộ hồ sơ, gồm dự án đầu tư, văn bản đề nghị hỗ trợ có mẫu sẵn tới Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, Sở phải có văn bản thẩm tra và báo cáo UBND tỉnh; trong vòng 5 ngày, UBND tỉnh có văn bản hỗ trợ vốn hay không, nếu từ chối thì nêu rõ lý do. Như vậy, các DN sẽ không phải “gõ cửa” từng cơ quan chức năng để được hỗ trợ như trước đây. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến quy hoạch dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm tra công nghệ đối với các dự án cũng được tạo điều kiện thông thoáng hơn.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đảm bảo nguyên tắc và cơ chế hỗ trợ đầu tư là trong cùng một thời gian, nếu DN có dự án đầu tư được hưởng nhiều mức hỗ trợ, đầu tư khác nhau thì DN được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ, đầu tư có lợi nhất. Các dự án đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, vốn bảo lãnh tín dụng của Nhà nước không thuộc đối tượng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách quy định tại Nghị quyết này. Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư; sau khi dự án hoàn thành thì được giải ngân 70% mức vốn hỗ trợ theo dự án; sau khi dự án hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu thì được giải ngân 30% mức vốn hỗ trợ còn lại.

Đối với nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc (bò, lợn) tập trung được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, chuồng trại, đồng cỏ và mua thiết bị. Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì ngoài mức hỗ trợ nêu trên, dự án còn được hỗ trợ thêm 70% chi phí nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục ngoài hàng rào dự án…

Nhà đầu tư có dự án đầu tư vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap được ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% chi phí nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng hệ thống giao thông, điện, hệ thống tưới, tiêu, xây dựng nhà lưới, hệ thống thu gom và xử lý chất thải… Nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% chi phí nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị và phải có công suất giết mổ tối thiểu 5 tấn/ngày đêm; Hỗ trợ 60% chi phí nhưng tối đa không quá 3,5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị và phải có công suất giết mổ tối thiểu 20 tấn/ngày đêm.

Những kết quả bước đầu

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 DN đã đầu tư cơ sở hạ tầng vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có một số DN áp dụng công nghệ cao như: Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên với dự án sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP; Cty TNHH một thành viên sản xuất và thương mại Phát Đạt với dự án Đầu tư cơ sở giết mổ lợn tập trung; Cty TNHH Lâm Sơn Tùng với mô hình nuôi trai lấy ngọc; Cty CP Nông lâm nghiệp và môi trường Vĩnh Hưng, Cty CP Đầu tư nông nghiệp Vĩnh Điền, Cty TNHH sản xuất và phân phối nông sản sạch OFP, Cty TNHH nấm Phùng Gia...

Tuy vậy, số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là DN sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, để khuyến khích thu hút đầu tư và NN, NT, thời gian tới, Vĩnh Phúc cần tập trung đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp như: Cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN một cách nghiêm túc và thực chất; Tiếp tục thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng trong NN để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên cây, chuyên con quy mô lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất; Tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và DN; Đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong NN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tham gia đầu tư vào NN; Thúc đẩy DN đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp như: giống cây trồng, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc… Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: giao thông, thủy lợi, điện, nhà xưởng, thiết bị máy móc… nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp, nông thôn./.

Bùi Cư

 

Bình luận

    Chưa có bình luận